Tổng công kích giành thắng lợi
Ngày 05/4/1975, Tỉnh ủy Rạch Giá (Kiên Giang) hạ quyết tâm: “Nắm lấy thời cơ chung, phát huy tinh thần tự lực, tự cường là chính, bằng 3 mũi giáp công, bằng mọi lực lượng, liên tục tiến công và nổi dậy khắp 3 vùng, tiêu diệt, tiêu hao thật nhiều sinh lực địch, khẩn trương tích cực tạo thế và lực mới, tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn”.
Theo đó, đêm 10 rạng 11/4/1975, 02 Tiểu đoàn 207, 519 và các đại đội binh chủng tiến công tiêu diệt yếu khu Minh Lương, tiến công gây thiệt hại nặng phân chi khu Tắc Cậu vào ngày 14 - 15/4/1975. Từ 20 - 24/4/1975, lực lượng vũ trang kết hợp quân dân tại chỗ tiến công chi khu Kiên Hưng (Gò Quao) và quân dân các huyện tiến công tiêu diệt, bao vây, uy hiếp các cứ điểm, đồn bốt còn lại của địch.
Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai đã đến giai đoạn quyết định. Ngày 25/4/1975, Tỉnh ủy Rạch Giá họp quyết định phương án giải phóng tỉnh. Đêm 29/4/1975, công tác chuẩn bị của các lực lượng vũ trang đã hoàn thành và đúng 00 giờ 05 phút ngày 30/4/1975, mặt trận thị xã và toàn tỉnh nổ súng tiến công; 22 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, thị xã Rạch Giá được giải phóng. Phối hợp với mặt trận thị xã, quân và dân các huyện, xã trong tỉnh đã dốc toàn bộ lực lượng, tiến công mãnh liệt các chi khu, yếu khu, phân chi khu, đồn bốt, phá tan hệ thống kìm kẹp của địch ở các thị trấn, thị tứ và các ấp. 8 giờ ngày 01/5/1975, toàn tỉnh Rạch Giá hoàn toàn giải phóng, cùng cả nước làm nên Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.
Hàn gắn vết thương chiến tranh
Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Kiên Giang mang trên mình những tổn thương về con người, kinh tế, xã hội và môi trường bị tàn phá khốc liệt, nhất là các vùng nông thôn. Nhiều vùng quê là những vùng “đất chết” hoang tàn, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, ruộng đồng bị cày xới bởi bom đạn chiến tranh. Đau thương hơn, tỉnh có trên 15.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào yêu nước vĩnh viễn nằm xuống, cùng hàng chục nghìn thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã để lại một phần thân thể, mang thương tật suốt đời để dành độc lập, tự do, hòa bình cho quê hương đất nước.
Nhiều cán bộ lão thành cách mạng tỉnh Kiên Giang nhớ lại, sau những ngày vui đại thắng, đời sống xã hội rơi vào tình trạng hàng hóa khan hiếm; người dân phải ăn độn khoai, củ, ăn bo bo thay cơm; thuốc trị bệnh thiếu nghiêm trọng, hầu như phải dùng “Cây xuyên tâm liên” thay cho nhiều loại thuốc để điều trị bệnh; giao thông đi lại là phương tiện xuồng, ghe chèo, vỏ máy đuôi tôm...
Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, Kiên Giang bắt tay vào tái thiết cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất nông nghiệp và giải quyết các vấn đề xã hội trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Theo đó, trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh khai hoang, phục hóa vùng Tứ giác Long Xuyên, chuyển đổi cơ cấu giống lúa có năng suất cao nên chỉ trong thời gian ngắn, tổng sản lượng lương thực tăng nhanh, từ 690.000 tấn năm 1986 lên 920.000 tấn năm 1990, tỉnh không còn hộ dân thiếu đói trong nông thôn.
Tiếp đến, ngành thủy sản khôi phục phát triển, ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá khai thác đánh bắt trên biển. Chỉ trong 05 năm, tàu cá Kiên Giang tăng từ 280 chiếc (năm 1985) lên hơn 5.000 chiếc (năm 1990), trong đó có nhiều tàu cá công suất lớn vươn khơi đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản xuất hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp mới và chế biến thủy sản bước đầu cải tiến và kết nối tiêu thụ với nước ngoài.
Cổng Tam quan thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Giai đoạn 2000 - 2020, kinh tế tỉnh Kiên Giang phát triển khá toàn diện trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những công trình kinh thoát lũ ra biển Tây và dẫn nước ngọt từ sông Hậu về nên vùng Tứ giác Long Xuyên ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất phát triển nhanh chóng, nhân dân tích cực khai hoang, phục hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để làm lúa tăng vụ đạt năng suất cao, đời sống nông dân của các huyện này được cải thiện và nâng lên nhanh chóng. Tiếp đến, các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận nằm trong vùng bán đảo Cà Mau cũng tăng diện tích, sản lượng lúa nhờ vào chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau của Chính phủ. Các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành và thành phố Rạch Giá vốn đã ổn định diện tích đất nông nghiệp đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng lúa ngày càng tăng.
Nhờ đó năm 2015, tổng sản lượng lúa toàn tỉnh hơn 3,4 triệu tấn, tăng hơn 1,2 triệu tấn so với năm 2000; năm 2020, đạt 4,3 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 72% và nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; năm 2015 đạt 78,22 triệu đồng/ha/năm, năm 2020 tăng lên 100 triệu đồng/ha/năm.
Tỉnh hình thành vùng chuyên canh nuôi tôm sú ở huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất và nuôi cá lồng bè ở huyện Kiên Hải, Phú Quốc. Tỉnh tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi, cống, đập, đê sông, đê biển, điện phục vụ sản xuất, nhất là vùng chuyên canh lúa và nuôi trồng thủy sản tập trung. Kinh tế nông nghiệp và thuỷ sản phát triển đã góp phần hết sức quan trọng trong việc nâng cao đời sống, mức sống của nông dân và ngư dân. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9% năm 2015 so với 15% vào năm 2000; năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 2,69%.
Bà Võ Thị Phương, ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang bày tỏ, so với những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù hiện còn những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng đời sống của người dân vùng biên Giang Thành cải thiện đáng kể, từng bước nâng lên. Trong xóm ấp, người dân có nhà “3 cứng”, nhà xây cất khang trang, không còn nhà tạm, dột nát. Đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện, nước sạch… được Nhà nước đầu tư xây dựng phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.Trong thời gian này, cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh chóng. Cảng, bến tàu Bãi Vòng, sân bay quốc tế, hồ chứa nước ngọt Dương Đông ở đảo Phú Quốc hoàn thành, đưa vào sử dụng; nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn được xây dựng và khai thác, bộ mặt đảo Ngọc (Phú Quốc) trở nên khang trang, hiện đại, bước vào tiến trình phát triển mạnh mẽ.
Cùng với đó, cảng cá Tắc Cậu, các tuyến quốc lộ 80, 63, 61, đường N1… hệ thống đường quanh các hòn đảo ở huyện Kiên Hải, Kiên Lương, thị xã Hà Tiên được đầu tư đã góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo của các đảo. Các tuyến đường từ huyện về trung tâm xã trong đất liền khá hoàn chỉnh, xe ô tô đi được trong cả mùa mưa là điều mà trước năm 2000 còn rất khó khăn. Đường liên ấp đầu tư xây dựng, đi lại dễ dàng, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, tỉnh hoàn thành cầu vượt sông Cái Bé và Cái Lớn góp phần rất lớn để phát triển kinh tế, xã hội các huyện vùng U Minh Thượng.
Khát vọng vươn mình vào kỷ nguyên mới
Năm 2025, tỉnh Kiên Giang tăng tốc, bức phá thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021 - 2025), bước vào kỷ nguyên mới, với khát vọng, ý chí vươn lên là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu đồng bằng sông Cửu Long và khá của cả nước vào năm 2030.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, nỗ lực đạt trên 10%, tập trung khai thác các động lực tăng trưởng mới để đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số. Trong đó, tập trung tạo bức phá công nghiệp và dịch vụ du lịch, nâng lên giá trị gia tăng nông nghiệp - thủy sản; huy động tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển.
Theo đó, tỉnh tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nhất là tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển các ngành kinh tế chủ lực, đẩy mạnh tăng trưởng ở mức cao. Cụ thể là thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trên địa bàn; phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm công nghiệp và nuôi biển. Tỉnh xây dựng, phát triển ngành thủy sản theo định hướng trở thành Trung tâm Kinh tế biển của quốc gia và phát triển thương hiệu nông, thủy sản tầm khu vực, quốc tế. Năm 2025, mục tiêu sản lượng lúa 4,7 triệu tấn, sản lượng thủy sản 811.000 tấn, trong đó, khai thác 420.300 tấn, nuôi trồng 390.700 tấn.
Đối với du lịch, tỉnh thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang chia sẻ, Sở triển khai các giải pháp, chương trình kích cầu du lịch, nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với xây dựng thương hiệu. Tỉnh đặt mục tiêu đón 11,05 triệu lượt du khách, trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, du lịch, tổng doanh thu đạt 28.500 tỷ đồng. Tỉnh xây dựng đảo Phú Quốc là điểm đến du lịch tuyệt vời của khu vực, thế giới và “đảo Ngọc” là cực tăng trưởng mạnh, tạo sức mạnh nội lực hỗ trợ các ngành nghề kinh tế khác của tỉnh cùng phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ, Trung ương chọn Phú Quốc tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC-2027. Vấn đề này khẳng định vị thế của Phú Quốc trên trường quốc tế, mở ra cơ hội phát triển mạnh cho “Phú Quốc - Kiên Giang trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Năm 2025, đánh dấu cột mốc 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, Kiên Giang đã trải qua một hành trình đầy khát vọng để vươn mình mạnh mẽ, phát huy tiềm năng trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, đô thị… trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, 02 thành phố Rạch Giá và Phú Quốc được công nhận là đô thị loại I đã trở thành biểu tượng cho sự chuyển mình của Kiên Giang. Theo đó, Rạch Giá tập trung phát triển hài hòa theo 3 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng thông minh, hiện đại; Phú Quốc, với định hướng phát triển bền vững, điểm đến chiến lược, hướng tới đô thị xanh, thông minh, “Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới”./.
(Nguồn: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)